Lý luận Phong thủy
Tiên đề 1: Cấu hình người (MC) hay kết cấu nhân thể, tức phương thức sử dụng không gian tự nhiên
Trong thế giới động vật, người có tư thế đứng thẳng xu hướng phản lại trọng lực, não bộ không ngừng phát triển, tứ chi cực kỳ khéo léo, …
Đôi mắt, cửa sổ của tâm hồn, nằm trên mặt phẳng (các loại động vật khác trên hình cầu), cự ly hẹp (khoảng cách giữa hai mắt bằng đúng bề rộng mắt), do đó thị trường hẹp (giả thuyết làm việc của người viết về tiết diện vàng M-m).
Bù lại mắt người “tập trung” cao độ vào mục tiêu! Người được mô tả như con thú săn mồi nguy hiểm nhất.
Hầu như toàn bộ giác quan – tức công cụ tiếp nhận thông tin từ thế giới bên ngoài – đều nằm trên đầu, hướng về phía trước (mắt, mũi, miệng) và hai bên (tai).
Phía sau lưng trái lại, hoàn toàn không có khí quan.
Như vậy con người chỉ cảm thấy an toàn (safety sensing) đối với vùng không gian phía trước, (Chu Tước), và phần nào hai bên trái và phải được bảo vệ bởi tứ chi (Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ).
Vùng không gian phía sau (Huyền vũ) hoàn toàn bất an (unsafety sensing).
Xu thế tự nhiên trong sử dụng không gian là dựa, tựa, đóng, khóa lại ở phía sau lưng (Bối Sơn) và mở, hướng ra ở phía trước (Diện Thủy), hai tay ôm vòng lại (Sơn hoàn, Thủy bảo).
Như vậy Phong thủy bắt đầu từ sự quan sát và nghiên cứu chính bản thân con người.
Tiên đề 2: Cấu hình Đất (tức cấu hình SƠN – THỦY) và Trời (EC) tương thích
Các di chỉ khảo cổ cho thấy từ các thời đại đá con người đã biết chọn cho mình các hang động có địa thế lưng chừng đồi, núi (tránh lũ lụt) với cửa hang mở về hướng có ánh nắng mặt trời (nhiệt) và gió mùa (ẩm), với giòng nước phía trước, có địa chất, thủy văn, thổ nhưỡng, thảm thực vật và quần thể động vật tươi tốt …
Đối với Việt Nam, Trung Quốc và các quốc gia phương Đông ở bán cầu Bắc, hướng tối ưu đó chính là hướng Nam và hướng Đông (đại khí hậu : macroclimate).
Về sau khi rời bỏ nơi cư trú tự nhiên ban đầu, mở rộng không gian sinh tụ phát triển, họ vẫn áp dụng nguyên lý chọn đất tương tự : dựa vào thế núi (phương Bắc, hoặc phương Tây), mở ra thế sông, biển (phương Nam, hoặc phương Đông) để vừa tận dụng vừa khắc phục các điều kiện của thiên nhiên, của khí hậu, thời tiết.
Như vậy : Phong thủy tiếp tục khảo sát và nghiên cứu thiên nhiên, đi tìm cấu hình Đất và Trời (thời tiết, khí hậu) tương thích với cấu hình Người.
Ứng dụng Quy phạm chọn Đất xây dựng
Hai thành tố cơ bản đất và nước – xin đặc biệt nhấn mạnh Đất và Nước, không phải Gió (Phong) và Nước (Thủy),
Người Việt Nam thích gọi đất nước mình là Sơn Thủy, Sơn Hà, Giang Sơn, Núi Sông – phối hợp thành 3 tiêu chí chủ đạo :
- ĐẤT NƯỚC HỘI TỤ: hệ quy ước 3 cấp (tiểu, trung, đại tụ) gọi văn vẻ là Sơn Thủy hội tụ). Người Trung Quốc gọi là “Tương hình thủ thắng”, bao gồm 3 nguyên tắc: bối Sơn (dựa núi), diện Thủy (nhìn nước), hướng Dương (nắng, gió mùa thuận lợi).
- ĐẤT LÀNH, NƯỚC TỐT: người Trung Quốc gọi “Tương thủy tương thổ” tức điều kiện địa chất, thổ nhưỡng và thủy văn tối ưu.
- NGĂN GIÓ, TỤ NƯỚC (gió ở đây là gió độc hại): Người Trung Quốc gọi là“Tàng phong tụ thủy” (có sách viết là tụ khí, e rằng không chuẩn) tức cách chọn đất, hoặc phương thức cải tạo điều kiện địa hình tự nhiên, tùy theo địa thế ở vùng cao hay vùng đồng bằng (Sơn cốc và Bình dương). Đây chính là thuật chọn địa điểm xây dựng và “bí quyết công nghệ” (know-how) trong kiến trúc học Quách Phác.
Ứng dụng Quy trình thiết kế kiến trúc đô thị
Δ Tổng quan: ngoài việc xét và chọn cấu hình Sơn Thủy phù hợp, việc định đô quan trọng ở chỗ ĐIỂM HUYỆT, tức xác định vị trí Trọng tâm của cuộc đất (Địa cục) và cao trình của điểm này để đặt công trình trọng điểm, tối yếu lên bên trên.
Huyệt chính là nơi hội tụ sinh khí, nguyên khí của trời đất, của cảnh quan Sơn thủy, của một vùng không gian địa lý rộng lớn, bao gồm nhiều cấp (nhiều tầng, nhiều lớp phông cảnh quan gần, xa…).
Trong đô thị phương Đông ở quy mô kinh đô, công trình này thường được gọi là Cấm thành và là hạt nhân trung tâm trong quần thể công trình tiên khởi của một đô thị (urban nucleus complex) bao quanh bởi các khu dân cư, chợ búa (nội thành ngoại thị).
Kiến trúc Phong thủy vì vậy có thể được xem là thuật ĐỊA CHÂM (geoacupuncture) tương tự như khoa châm cứu trong y học phương Đông.
Δ Quy trình ba pha trong thiết kế đô thị:
Pha 1: TẦM LONG, tức xét địa mạch và chọn đất, đáp ứng các quy phạm xây dựng đô thị (Tiền hậu cao đê, mãn không và Tả hữu khinh trọng, doanh hư)
Pha 2: ĐIỂM HUYỆT, tức xác định vị trí đặt công trình trọng điểm.
Pha 3: LẬP HƯỚNG, kết cấu thành quách tam trùng với các quần thể công trình hạt nhân (gồm Cấm thành, Hoàng thành và Kinh thành) bố trí đăng đối qua một trục chính thường gọi là Trục thần đạo. Trục này được định hướng (orientate) theo PHƯƠNG TỐI ƯU Nam Bắc (Khảm – Ly), hoặc Tây Bắc – Đông Nam (Càn – Tốn). Kết cấu MỞ về phương Nam (Nam diện) cho phép từng công trình riêng lẻ, hoặc cả quần thể lớn, tiếp nhận mọi điều kiện tối ưu về môi trường tự nhiên (mặt trời, ánh nắng, ánh sáng, gió mùa, hệ sinh thái, v.v…) đồng thời khắc phục mọi điều kiện bất lợi từ phương Bắc (gió mùa Đông giá buốt, bóng tối, khí hậu sa mạc, băng giá, v.v…).
Ứng dụng Quy trình thiết kế công trình kiến trúc
Kiến trúc là sự mô phỏng cấu hình Đất và Trời như đã nói bên trên, theo đó : “Trật tự vật thể nhân tạo (man-made) phản ảnh trật tự vật thể tự nhiên(natural) một cách HỢP LÝ và HỮU TÌNH”.
Đất = SƠN# công trình xây dựng, đơn lẽ hoặc quần thể (Tĩnh).
Nước = THỦY# luồng giao thông, đường xá, khoảng trống… (Động).
Kiến trúc SƠN THỦY phương Đông đánh giá cao tính chất XÚC CẢM (Sơn thủy hữu tình) trong nghệ thuật biểu hiện của nó.
0 Response to " Lý luận Phong thủy"
Post a Comment