Trong cuộc sống hàng ngày những câu chuyện về trấn yểm, thầy bùa, thầy phong thủy, thầy phù thủy, thầy trừ tà luôn được mô tả như một sự huyền bí, siêu việt của số ít nhân vật có quyền năng đặc biệt.
Những câu truyện đó dần hình thành nên cảm giác mơ hồ, e sợ mỗi khi nghe nhắc đến từ này và nó thường dẫn con người tới hai thái cực: hoặc phủ nhận hoàn toàn “Trấn Yểm” – coi đó là hoang đường, hoặc sùng bái một cách mù quáng.
Những điều đó đều là hệ quả của việc không hiểu nguyên lý của “Trấn Yểm”, vì vậy mục đích của bài này là góp phần làm sáng tỏ, để từ đó chúng ta có cái nhìn bình thản và một thái độ đúng đắn rằng “Trấn Yểm” chỉ là một trong các phương pháp điều chỉnh năng lượng (khí) dựa trên những nguyên lý rất đơn giản và rõ ràng.
Về mặt ngữ nghĩa thì Trấn là trấn áp, áp đặt, thay đổi một cách cưỡng bức, công khai có thể nhìn thấy được còn Yểm là tác động kín đáo, mờ ám, khó nhìn thấy.
Trong Phong Thủy, Trấn là hình thức xây dựng, đặt, để những công trình, đồ vật làm thay đổi sự tương tác năng lượng trong môi trường và con người có thể nhìn thấy được trên mặt đất; còn Yểm là làm thay đổi sự tương tác nhưng có tính chất kín đáo, mờ ám hoặc ẩn sâu khó nhìn thấy.
Từ khái niệm ở trên mà xét thì không phải hình thức nào cũng coi là trấn yểm, nếu không sẽ rất dễ sa vào mê tín dị đoan, ví dụ một ông thầy cúng tay “bắt quyết” chỉ ngang chỉ dọc mấy cái miệng lẩm bẩm “thần chú” rồi bảo rằng là trấn yểm, hoặc vẽ lá bùa loằng ngoằng những nét không ra hình thù gì mà chính bản thân người dùng cũng không hiểu ý nghĩa nó rồi mặc định nó có phép thuật.
Hoặc những chuyện hoang đường như “hô thần nhập tượng” cũng vậy, nếu có thần thánh thì thần thánh sẽ điều khiển con người chứ sao có chuyện ngược đời, nếu “hô” được thì chỉ có “ma” nhập tượng chứ thần nào nhập tượng.
Vạn vật dù thần thánh hay ma quỷ cũng đều phải tuân theo nguyên lý chung nhất, “vật chất quyết định ý thức” (âm dẫn dương), tức là hữu hình quyết định vô hình.
Thần thánh, ma quỷ (ý thức) là thứ vô hình phải dựa vào vào cái hữu hình tượng (vật chất) để tồn tại nên nếu thần có linh thiêng thì là do tượng (to hay bé, lớn hay nhỏ, đẹp hay xấu, quý giá hay tầm thường) chứ không phải do “thần”.
Trấn Yểm thì mục đích cuối cùng cũng là hướng đến sự tương tác với con người, vậy nên phải hiểu rõ cơ chế tương tác này như thế nào để tránh bị ngộ nhận hoặc sợ ma hơn sợ người, ma không đáng sợ, đáng sợ nhất là con người.
Trong cuộc sống không thiếu những chuyện khôi hài về bùa chú. Có kẻ làm ăn phi pháp bị công an bắt khi khám xét thấy trong người dán đầy bùa mới hỏi “Tại sao làm như vậy?”, câu trả lời là “Vì thầy phong thủy bảo dán bùa thì sẽ không bị bắt”.
Hoặc những người ngộ nhận về năng lực bản thân có thể hô mưa đuổi bão bằng bùa chú, phép thuật mà không hiểu rằng vạn vật trên đời này đều phải “mạnh chi phối yếu”, cơn bão giống như sa mạc, con người là hạt cát trên sa mạc nên con người chỉ có thể nhận biết rồi phản ánh thông tin về cơn bão chứ không thể thay đổi cơn bão bằng bùa chú, hay phép thuật.
“Hô mưa, đuổi bão” bản chất là sự nhận biết thông tin một cách thiếu lý chí nên ngộ nhận về năng lực bản thân.
Nhiều gia đình, nhiều doanh nghiệp đang yên ấm thịnh vượng chỉ vì bị mê hoặc mà hao tiền tốn của cho những thứ rẻ tiền dán mác phong thủy, thậm chí tán gia bại sản vì sẵn tiền nên chất đầy đồ “trấn yểm” trong nhà.
Dù Trấn hay Yểm thì bản chất cũng chỉ là những thứ gia giảm sự tương tác khi môi trường chưa thực sự hoàn chỉnh phù hợp với con người, còn khi công trình đã hợp lý về địa hình về thiết kế thì trấn yểm là việc không cần thiết.
Giống như một chiếc xe ít tiền thì cần trang trí thêm cho đẹp, còn nếu đã là xe sang trọng thì có khi càng trang trí càng làm giảm giá trị.
Tốt nhất là phải làm cho một ngôi nhà tự thân nó thịnh vượng trước sau đó mới tính đến chuyện trấn yểm.
Còn nếu một ngôi nhà, một cái xe đã quá nát thì chỉ có làm lại chứ không có bất cứ cách nào trấn yểm cho nó tốt lên được.
Nếu đồ trấn yểm mà linh ứng tụ được tiền tài thì không ai người ta đem bán như rau ngoài chợ.
Đồ trấn yểm có ích đến đâu phụ thuộc vào người sử dụng chứ tự thân nó chỉ là vật trang trí. Khi hiểu nguyên lý thì ai cũng có thể tự chế được đồ trấn yểm mà không nhất thiết phải tốn tiền.
0 Response to "Trấn- Yểm là gì?"
Post a Comment